Tin tức

Trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Chưa có bằng chứng cho thấy BTS ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ con người

14:28, Thứ Hai, 16/01/2017 (GMT+7)

(XHTT) - Đó là thông tin chính thức được Bộ TT&TT đưa ra tại thông báo số 4574 ngày 23/12/2016 dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu và công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chưa có bằng chứng nào cho thấy BTS ảnh hưởng tới sức khỏe con người

Theo ITU, đến cuối 2015, toàn thế giới có khoảng 7,2 tỷ thuê bao di động. Các trạm thu phát sóng (BTS) ngày càng mọc lên dày đặc, nhất là tại các thành phố lớn. Chính vì vậy, ở nhiều nơi, các tổ chức và người dân đã có những phản ứng gay gắt do lo ngại ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và đánh giá của các tổ chức độc lập (không bao gồm hiệp hội các nhà sản xuất, khai thác và kinh doanh điện thoại di độngđể đảm bảo tính khách quan), WHO đã kết luận rằng chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các BTS ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ con người. Từ năm 2000 tới nay, trong các báo cáo nghiên cứu về vấn đề này, vẫn chưa có bất kỳ thông tin bổ sung nào khác.

WHO: Cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sóng điện từ từ các trạm BTS gây hại tới sức khỏe con người
WHO: Cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sóng điện từ từ các trạm BTS gây hại tới sức khỏe con người

Hiện WHO vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các tài liệu hướng dẫn, khuyến khích việc đối thoại giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý, nhà khai thác và cộng đồng để tăng cường hiểu biết về vấn đề này.

Dù chưa có căn cứ nào khẳng định rằng sóng điện tử của các trạm BTS có hại cho sức khỏe con người song WHO vẫn khuyến nghị các quốc gia xây dựng tiêu chuẩn và các khuyến nghị như của Tổ chức phòng chống bức xạ ion hoá (ICNIRP).

Việt Nam: Cách 30m tính từ điểm đặt thu phát sóng thì Bức xạ từ trường là an toàn

Trên cơ sở các khuyến nghị của WHO và tiêu chuẩn của Tổ chức phòng chống bức xạ ion hóa, Bộ KHCN đã xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn TCVN 3718-1:2005 về “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3KHz đến 300GHz” để các nhà khai thác áp dụng. Bắt đầu từ năm 2006, Bộ TT&TT đã quy định tất cả các nhà khai thác đều phải tuân thủ theo TCVN 3718 của Bộ KHCN.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2010/BTTTT “Trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng - Phương pháp TCVN 3718-1:2005” và phương pháp đo phơi nhiễm trường điện từ của các trạm BTS. Đây là cơ sở để đo kiểm các công trình trạm BTS thông tin di động của tất cả các doanh nghiệp hiện nay. Tất cả các thiết bị của trạm BTS tại Việt Nam (cả thiết bị thu và phát) đều phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng thì mới được đưa vào hoạt động.

Tính đến cuối năm 2015, Bộ TT&TT đã tiến hành đo kiểm và cấp giấy chứng nhận cho hơn 60.000 trạm thu phát sóng trên cả nước. Thực tế đo kiểm cho thấy, ở khoảng cách lớn hơn 30m tính từ trạm thu phát sóng tiêu chuẩn, bức xạ điện từ trường đều ở mức cho phép theo quy định tại TCVN 3718-1:2005.

Bộ TT&TT cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật những thông tin liên quan tới các cơ sở khoa học về vấn đề này đề cập nhật cho người dân. Vì vậy, hiện người dân và các tổ chức hết sức yên tâm khi “sống chung” với BTS.

 

 

Trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người

       “Tất các trạm BTS đã được kiểm tra đều được đảm bảo về chất lượng. Nếu lắp đặt đúng thiết bị tại các nơi Bộ đã kiểm tra thì bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn các đại biểu chiều qua.          Bộ trưởng cho biết, các chỉ số an toàn của các trạm BTS được căn cứ theo công bố của thế giới liên quan đến sản xuất, lắp đặt thiết bị theo chuẩn hóa cũng như tiêu chuẩn và chất lượng của Bộ Khoa học và công nghệ và các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp còn cho biết thêm, năm 2006 tổ chức quốc tế có công bố đầy đủ như sau: "Qua xem xét mức độ phơi nhiễm và các kết quả nghiên cứu thu thập được chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số các trạm thu phát viễn thông và các trạm viễn thông gây ra ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người".

        “Ở Việt Nam các trạm BTS chủ yếu là 20W, có một số ít trạm 32W và độ phơi nhiễm của chúng ta là 2w/1m2, các nước khác thì cao hơn. Nếu đảm bảo lắp đặt đúng thiết bị và những nơi bộ đã kiểm tra thì bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe” – Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.

        Hiện cả nước đã có 42.000 trạm BTS. Con số này theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp là không nhiều so với các nước trên thế giới. Trong thời gian tới, các trạm BTS sẽ tiếp tục tăng do chúng ta triển khai dịch vụ 3G, sắp tới là 4G để đảm bảo chất lượng sóng. Mỗi trạm chỉ phục vụ được từ 250 đến 2.500 số điện thoại thuê bao, vì thế khi số thuê bao trên từng địa bàn tăng thì số lượng các trạm BTS cũng tăng theo.

        Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là Cục Quản lý chất lượng thông tin và truyền thông kiểm tra được 25.000 trạm BTS, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn mà chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục hết trước khi hoạt động. Trong năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy nhanh tiến độ để kiểm tra tất cả các trạm BTS. 

        Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Hoàng Văn Phong cũng cho biết: Hiện nay, các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, nhưng cơ bản cho thấy với giải tần sóng vô tuyến, công suất các trạm thu phát, công suất điện thoại đang được sử dụng hiện nay chưa thể khẳng định sóng do các trạm BTS, hoặc điện thoại cá nhân gây ảnh hưởng xấu, có hại cho sức khỏe con người.

        Theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, hệ số phơi nhiễm của Việt Nam hiện nay là 2W/1m2 quy đổi sang là 2W/1kg, trong khi tiêu chuẩn an toàn của các tổ chức quốc tế là 4W/1kg.

         Khi Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn có tính toán đến tác hại xấu gây hại đến sức khỏe con người đặc biệt ở các bệnh máu trắng, bệnh tim mạch và bệnh huyết áp và những ảnh hưởng tới hệ thần kinh.

         Hiện nay, do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn; các nhà đầu tư khi đi đầu tư không nói rõ được tiêu chuẩn cho phép về mật độ các trạm thu, phát sóng vô tuyến đã gây tâm lý hoang mang và bức xúc trong cộng đồng. 

 

 Theo http://www.tvfxqvn.com



 

Trạm phát sóng thông tin di động (BTS) và sức khỏe con người

Trong thời gian qua,  việc xây dựng trạm phát sóng thông tin di động (BTS – Base Transceiver Station) của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân phản ánh và có thái độ lo ngại về việc sóng điện từ các Trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.  Vậy câu hỏi đặt ra là "sóng điện từ của trạm BTS có hay không ảnh hưởng tới sức khoẻ con người?"

 


1. Các văn bản hướng dẫn:

Liên quan đến vấn đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nghiên cứu cùng với các tổ chức tiêu chuẩn hoá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Uỷ ban phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) và các tổ chức nghiên cứu độc lập về mối liên quan giữa hệ thống điện thoại di động và sức khoẻ con người đã kết luận rằng: “Chưa có bằng chứng cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) gây ra các ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ con người; tại văn bản số 616/BKHCN-KHCN ngày 20/03/2006 của Bộ Khoa học & Công nghệ và văn bản số 1251/BBCVT-KHCN ngày 28/6/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng đều nêu rõ “Qua các kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài về ảnh hưởng của các hệ thống thông tin di động được thống kê đến thời điểm này, có thể kết luận rằng chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm thu phát thông tin di động và các thiết bị điện thoại di động gây ảnh hưởng có hại cho con người” .

Về quản lý chuyên ngành đối với các BTS, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định:

Thiết bị trạm gốc phải được chứng nhận phù hợp theo quy định trong TCN 68-219:2004 "Thiết bị trạm gốc của hệ thống GSM – Yêu cầu kỹ thuật" (đối với hệ thống GSM) và TCN 68-233:2005 “Thiết bị trạm gốc thông tin di động CDMA 2000-1X - Yêu cầu kỹ thuật" (đối với hệ thống CDMA).

Từng BTS phải được kiểm định trước khi đưa vào hoạt động theo các yêu cầu trong các tiêu chuẩn:

Yêu cầu về chống sét: TCN 68-135:2001 "Chống sét cho các công trình viễn thông - Yêu cầu kỹ thuật";

Yêu cầu về tiếp đất: TCN 68-141:1999 "Tiếp đất cho các công trình viễn thông - Yêu cầu kỹ thuật";

Yêu cầu về an toàn bức xạ sóng điện từ: TCVN 3718-1:2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio - Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3 kHz đến 300 GHz”. Giới hạn mức phơi nhiễm trường điện từ phải được xác định bằng phương pháp quy định trong TCN 68-255:2006 “Trạm gốc di động mặt đất công cộng – Phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ”.

Mặc khác, các kết quả đo kiểm thực tế tại khu vực xây dựng trạm BTS của Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường (Bộ Y tế) và Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện thực hiện đều cho thấy các giá trị cường độ điện trường, cường độ từ trường và mật độ công suất đo được xung quanh các trạm BTS đều nằm trong giới hạn cho phép

Theo quy định của Bộ TT&TT, tất cả các BTS trước khi đưa vào hoạt động đều được đo kiểm, nếu không thỏa mãn các yêu cầu  trên sẽ không được đưa vào hoạt động. Hàng năm Cục quản lý đo lường chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông đều thực hiện đo kiểm thông số kỹ thuật của các BTS. Các doanh nghiệp viễn thông cũng phải  thường xuyên thực hiện bảo trì, đo kiểm lại các chỉ tiêu kỹ thuật về chống sét, an toàn công trình,... Việc yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra công trình đều được Sở TTTT đề nghị  trước mỗi mùa mưa bão và trong các ngày lễ lớn. Các BTS trên trần nhà cũng được doanh nghiệp gia cố lại để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

2. Ý kiến chuyên gia:

Ông Nguyễn Xuân Hiện, cán bộ Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho biết, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường có chức năng đo kiểm những thông số liên quan đến môi trường, trong đó có môi trường sóng điện từ trường của các trạm BTS. “Hiện nay trạm BTS thường đặt trên nóc nhà dân, nóc nhà cao tầng của khu dân cư, có nhiều hiện tượng dân phản đối không cho lắp đặt. Một số công ty như VinaPhone, Viettel, Mobifone cũng đã nhờ chúng tôi đo kiểm tra cường độ điện từ trường tại những điểm có đặt trạm BTS. Các trạm BTS mà chúng tôi đã đo kiểm đều nằm trong giới hạn cho phép đối với khu dân cư, nghĩa là nằm trong giới hạn về phơi nhiễm không do nghề nghiệp, và càng thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn về môi trường nghề nghiệp. Như vậy, về mặt pháp lý đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, để đánh giá thực chất thì vẫn cần có những nghiên cứu cụ thể hơn” - Ông Hiện nói.

Tiến sĩ Phạm Công Hùng, giảng viên khoa Điện tử Viễn thông trường Đại học Bách Khoa HN, thành viên Ban kỹ thuật – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: “Năm 2005, chúng tôi đã nghiên cứu thế nào là mức bức xạ từ trạm BTS trong ngưỡng an toàn và mức đó phải được đo như thế nào, cách đo cũng phải đúng chuẩn. Về an toàn của người dân, chúng tôi thấy công suất phát sóng của trạm di động nhỏ hơn rất nhiều so với đài truyền hình và đài phát thanh. Một trạm di động chỉ có vài chục W còn đài truyền hình và phát thanh đến mấy chục KW. Hơn nữa, tần số của các trạm di động không phải là tần số lớn. Quốc tế quy định rất cụ thể mức độ thâm nhập trên 1kg trọng lượng hay trên 1cm2 diện tích cơ thể chúng ta bao nhiêu là an toàn cho sức khỏe. Chúng tôi nghiên cứu quy định của WHO và tiêu chuẩn của các nước để đưa ra tiêu chuẩn Việt Nam”. Tiến sĩ Hùng cho biết thêm, trên báo chí các nước Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan cũng từng có một số ý kiến lo lắng về sóng điện từ của các trạm BTS có gây ra u não không, có gây ra mất trí nhớ không… Cho đến bây giờ, chưa có ai phát hiện thấy vấn đề gì nguy hiểm cả. Người ta đã thử nghiệm rất nhiều, theo dõi rất chặt chẽ với nhiều đối chứng giữa người dùng di động và người không dùng di động, tỉ lệ bệnh u não giữa hai nhóm này không thấy sự khác biệt. “Đến nay, chưa có ai chứng minh được sóng di động tác động như thế nào đến sức khỏe con người. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ nhưng chưa có kết luận nào cho rằng sóng di động trong khả năng cho phép có thể gây nguy hại. Với mức công suất phát theo tiêu chuẩn về quy định của BTS, người dân có thể hoàn toàn yên tâm vì không có bất kỳ tác hại nào của trạm BTS ảnh hưởng đến sức khỏe” Tiến sỹ Phạm Công Hùng khẳng định.

3. Thông tin thêm về trạm BTS 
Hiện nay ĐTDĐ ở nước ta đang sử dụng hai công nghệ là GSM (Vinaphone, Mobifone, Viettel) ở dải tần 900 MHz, 1800 MHZ và CDMA (Sfone, Hanoi Telecom, EVN) ở dải tần 800 MHz (mạng 096 của EVN ở dải tần 450 MHz). Mỗi doanh nghiệp được cấp phát một đoạn băng tần nhỏ (một vài chục MHz) trong dải tần nói trên. Mỗi đoạn nhỏ này lại được chia thành các kênh để sử dụng. Ví dụ mỗi kênh GSM có độ rộng 0,2 MHz. Mỗi trạm gốc BTS được sử dụng một vài kênh nhất định để đảm bảo nó không gây nhiễu cho trạm gốc khác (sử dụng các kênh khác) đặt gần đó. Để tăng số lượng người sử dụng có thể đồng thời truyền tín hiệu đến một trạm BTS, người ta sử dụng một kỹ thuật gọi là TDMA nhằm phân chia thời gian sử dụng mỗi kênh cho nhiều người dùng. Trong công nghệ GSM, 8 máy cầm tay dùng chung một kênh, lần lượt từng máy thu phát sau đó ngừng lại để các máy khác thu phát. 
Công suất cực đại của một máy cầm tay theo tiêu chuẩn GSM là 2W (băng 900MHz) và 1W (băng 1800MHz. Theo tính toán, tại một điểm cách anten 2,2 cm (là khoảng cách trung bình từ anten đến vỏ não khi đang đàm thoại), cường độ điện trường cực đại do máy ĐTDĐ GSM phát ra vào khoảng 400 V/m (băng 900MHz) và 200 V/m băng 1800MHz). 
Để đánh giá khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của sóng vô tuyến nói chung, người ta sử dụng một đại lượng gọi là SAR (Specific Absorption Rate - Chỉ số hấp thụ đặc trưng) là liều lượng hấp thụ năng lượng vô tuyến tại một khoảng tần số nhất định của một đơn vị khối lượng cơ thể, đo bằng W/kg hoặc mW/g. Theo tiêu chuẩn châu Âu (EN50360-1) được phần lớn các nước trên thế giới áp dụng thì đối với các băng tần số của ĐTDĐ, SAR < 2 W/kg, đo trên 10g bất kỳ của cơ thể, ngoại trừ bàn tay, cổ tay, bàn chân và mắt cá chân. Chỉ số này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là đảm bảo an toàn cho người bị phơi nhiễm. Mỹ áp dụng tiêu chuẩn cao hơn: SAR<1,6W/kg đo trên mỗi gram ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể. 
Công suất phát của BTS được nhà khai thác tự cài đặt nhưng để đảm bảo không gây nhiễu cho các BTS xung quanh, công suất cực đại không quá 30 W mỗi kênh. Mỗi BTS sử dụng từ 2 đến 4 kênh, do đó công suất cực đại của mỗi BTS vào khoảng 60 đến 120W. Công suất trung bình thường nhỏ hơn con số này khá nhiều, bởi vì ít khi BTS phải phát hết công suất (chỉ khi tất cả các kênh đều phục vụ đủ 8 máy cầm tay và tất cả các máy cầm tay đều ở rìa của vùng phủ sóng). Với công suất phát xạ P thì ở một điểm cách xa trung tâm phát xạ một khoảng r, trong trường hợp phát xạ đều theo mọi hướng, ta có thể thu được thông lượng điện từ là f = P/(4 pr2). Với một BTS công suất 60W sử dụng anten sector 120o cao 20m (độ tăng ích của anten là 50dB) sẽ sinh ra một trường điện từ mà ở khoảng cách 100m thì thông lượng của trường điện từ đó vào khoảng 0,00001 W/cm2, tức là nhỏ hơn tác động của máy cầm tay đến vỏ não của bạn khoảng 2000 lần. Mức phát xạ này cũng chỉ tương đương với mức phát xạ của Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV3 (20000 W) đo ở khoảng cách 1,5 km.

4. Kết luận:

Có thể khẳng định việc xây dựng các trạm phát sóng thông tin di động của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết cho sự phát triển của ngành viễn thông ở nước ta. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn giúp nước ta phát triển sánh vai cùng các nước trong khu vực và quốc tế. Doanh thu của viễn thông năm 2008 đạt gần 92,5 nghìn tỷ, xấp xỉ 5,5 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2007, nộp ngân sách 11.831 tỷ đồng, xấp xỉ 700 triệu USD.Doanh số viễn thông chiếm 5% GDP cả nước và tốc độ tăng trưởng mỗi năm là hơn 30%. Không những thế, sự đóng góp của viễn thông còn tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của những nghành kinh tế khác như: ngân hàng, tài chính, thương mại, giáo dục..

Bên cạnh đó, công tác đánh giá, theo dõi tác động của sóng di động đến sức khỏe con người cũng luôn được các đơn vị chức năng quan tâm, nghiên cứu và ban hành các Tiêu chuẩn quy định cụ thể để doanh nghiệp tuân thủ.

Từ khóa :